Chào mừng bạn đến với Website Banhkhome

0905 25 25 50 | balieume@gmail.com

Giới thiệu

Câu chuyện của 200 năm về trước (đầu thế kỷ 19), tại vùng quê yên bình, lặng lẽ khép mình bên dòng sông Cẩm Lệ. Nơi đó, có một người phụ nữ nghèo hiền lành dòng họ Huỳnh Đức, người đã tần tảo gánh vác, chăm sóc gia đình để chồng con toàn tâm đèn sách. Năm đó, Triều đình Huế mở hội khoa thi. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, đường lên Kinh lại xa xôi hiểm trở, lộ phí phòng thân thì thiếu thốn trăm bề. Với tấm lòng thương yêu vô hạn, xót xa khi nghĩ đến cảnh chồng con phải chịu đói rét trên đường về Kinh. Bà đã nghĩ đến việc làm nên một món ăn thật ngon từ các sản vật của địa phương, mang hương vị đặc trưng của quê hương và có thể để dành được lâu. Đó chính là khởi nguyên của chiếc bánh khô mè.

Sau đó, chiếc bánh khô mè theo chân người chồng đến tay các quan viên và sỹ tử ở kinh thành Huế, họ dùng thử và đều bị chinh phục trước tấm chân tình cũng như cái hương vị độc đáo, thơm ngon trọn vị của nó. Có vị đại quan, sau khi thưởng thức bánh khô mè đã hết lời khen ngợi rằng “Đây chính là loại bánh xưa nay hiếm, thật xứng tầm “đệ nhất danh bính”,  nhìn tuy mộc mạc nhưng khi ăn vào thì lại “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách” đó chính là “Thị giác, khứu giác, vị giác, cảm giác, thính giác”

1- Mắt nhìn nhiều màu: trắng ngà của mè rang, vàng mơ của những tơ đường thắng.
2 - Mũi ngửi được nhiều mùi: mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng .
3 - Lưỡi nếm lắm vị: ngọt của đường, bùi của bột nếp, béo của mè rang, cay thơm của gừng và quế.
4 - Miệng nhai thấy: mềm, cứng, xốp, giòn .
5 - Tai nghe âm vỡ rào rạo của bánh.

Chiếc bánh được mang trong mình chất vị quê hương có cái phù sa của đất, của nước, hương nắng gió của trời, quyện cùng sự tần tảo, chịu thương chịu khó của miền quê xứ Quảng Đà. Bánh khô mè - chiếc bánh mộc mạc nhưng gói gắm trọn vẹn nghĩa tình, thủy chung, niềm tự hào đơn sơ nhưng vô cùng trân quý của con người Đà Nẵng.

Sản phẩm quà tặng mỗi khi du khách đến nơi này, của những người con xa xứ khi xa quê hương. Niềm tự hào của địa phương mang dáng vấp đặc trưng của người con xứ Quảng Đà “chịu thương, chịu khó, dãi nắng dầm mưa”, “chân phương, chất phát, bình dị và cũng thật thân thiện, hiền hòa, mến khách đến lạ lùng” hình ảnh đó đã gửi hồn trong chiếc bánh. Điều đặc biệt, chiếc bánh được làm từ các nguyên liệu mộc mạc bình dân như: gạo, nếp, mè, gừng, quế và đường. Với quy trình “5S: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” cộng với sự tận tâm của người làm bánh, đầu tiên: Gạo vo sạch để thật ráo rồi cho vào cối giã (xay) thành bột mịn - Cho nước vừa đủ nhào kỹ, xong cho vào nồi hấp chín - Chờ nồi bột chín, sẽ chuẩn bị vỉ lót và khuôn đúc bánh với những ô hình vuông đều nhau, có độ lớn bằng hai hoặc ba ngón tay - Bột vừa chín đổ vào khuôn gạt mặt cho thật bằng phẳng - Tháo khuôn, những miếng bột vuông nhỏ được đặt trên bếp nướng bằng than hoa lần thứ nhất - Hơi lửa than hoa chỉ vừa đủ nóng để lát bánh được nướng chầm chậm cho khô đều hai mặt - Khi chiếc bánh trần đã khô đều sẽ lại được đặt lên bếp than hoa lần thứ hai để nướng giòn, dậy lên mùi thơm ngào ngạt của gạo và nếp - Tiếp theo là nấu đường (thắng đường) cho đến khi đường sánh đều, keo đặc, dẻo quánh thành thành những sợi tơ không dứt - Mè được tróc vỏ, rang giòn, vàng óng, thơm thật thơm - Bưng nồi đường đặt trên bếp than ấm, lấy từng lát bánh trần trắng thơm nhúng vào đường rồi nhanh tay lăn qua mâm mè. Và thế là hàng trăm, hàng nghìn chiếc bánh khô mè được ra đời.

Trong những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bánh khô mè là đồng hành cùng các cán bộ chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng đất Quảng Đà năm xưa. Chiếc bánh đã trở thành lương khô phục vụ cho Bộ đôi ta trong những chuyến hành quân đêm ngày nơi rừng sâu nước độc, là lương thực dự trữ cho cán bộ nằm vùng, đặc sản của ngày Tết giữa những trại dã chiến, là tiếp tế cứu đói cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, cơ sở Cách mạng của huyện Hòa Vang và một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) bị giặc bắt giữ, tra tấn đánh đập tại đồn trú đầu cầu Cẩm Lệ. Cho đến nay, chiếc bánh khô mè trở thành lễ vật, sự tri ân sâu sắc, lòng tưởng nhớ của hậu thế trong những dịp kỷ niệm 27/7, những ngày giỗ liệt sỹ, cán bộ cách mạng bị địch giết hại dã man, chôn vùi trong các hố chôn tập thể tại di tích đồn trú đầu cầu Cẩm Lệ (1946-1954).

Câu chuyện nghĩa tình và món ăn dân giã này tưởng chừng như đã bị lãng quên theo năm tháng. Nhưng may thay vào năm 1945, bà Phan Thị Nhẫn(con dâu gia tộc Huỳnh Đức) vì thương nhớ cái mùi vị “tình quê” của bánh khô mè xưa nên đã soạn cối, lắp khuôn làm bánh.  Ban đầu chỉ là làm cho con cháu ăn, dần dà dân làng biết đến, ai cũng thích thú và theo học nghề làm bánh. Và thế là bánh khô mè và nghề làm bánh khô mè được truyền rộng rãi trong và ngoài địa phương, rồi trở thành món ăn không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Quảng. Đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, bánh khô mè được trân trọng đặt trên bàn thờ gia tiên, biếu tặng và mời nhau trong thâm tình đạo nghĩa.

Đến nay con trai bà Phan Thị Nhẫn là ông Huỳnh Đức Khiển đã, đang kế thừa và phát huy nghề gia truyền của gia đình, thành lập nên cơ sở bánh khô mè “Bà Liễu Mẹ” - Thương hiệu sản xuất và kinh doanh bánh khô mè truyền thống nổi tiếng, tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng. Với phương châm không ngừng hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, hình ảnh, kiểu dáng, nhận diện thương hiệu, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển quy mô, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường quốc tế và khu vực. Với những sự nổ lực không ngừng, thương hiệu “Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ” trở thành một đặc sản độc đáo, mang nhiều giá trị về văn hóa truyền thống và dinh dưỡng, được các cơ quan truyền thông và báo chí ghé và đưa tin như đài truyền hình VTV, Đà Nẵng, báo Nhân Dân, báoTuổi Trẻ,... đưa tin.

Bánh khô mè được chế biến từ nguyên liệu của bột gạo - nếp, mè, đường kính và gừng. Bánh có dạng hình vuông hoặc chữ nhật, bên ngoài là một lớp mè được kết dính đường non tinh chất dẻo như mạch nha. Bánh khô mè phải chịu qua bảy lần nướng lửa mới thành bánh ngon. Do vậy mà nó còn mang tên là bánh bảy lửa.

 

Chiếc bánh giản dị với những nguyên liệu đơn sơ mà đậm đà hương vị bởi tấm lòng của người làm bánh. Nếu không thương chồng, yêu con, không chịu thương chịu khó làm sao có thể kiên nhẫn giã gạo kỳ đến thành bột, ngồi bên bếp củi, bếp than nóng nhiều lần để cho ra đời chiếc bánh bảy lửa!

Lưu truyền qua các đời, chiếc bánh của người vợ, người mẹ theo chân người đàn ông lên kinh ứng thí vẫn được những người hôm nay gìn giữ. Ăn một chiếc bánh giòn ngọt, nhớ biết bao tấm lòng của người làm bánh truyền thống làng quê.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là Đặc Sản Đà Nẵng.

Các chứng nhận và giải thưởng cơ sở đã đạt được:
+ Top 10 Bánh quà tặng nổi tiếng Việt Nam được tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn.

+ Sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng 2019.
+ Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Thành Phố Đà Nẵng 2016 và 2019.
+ Di sản Văn hóa ẩm thực Việt Nam - 2015
+ Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn - 2013 

Đặc sản Đà Nẵng

Đặc sản Đà Nẵng

Đặc sản Đà Nẵng
Đặc sản Đà Nẵng

Trang chủ

Giới thiệu

Sản phẩm

Giấy chứng nhận

Tin tức