Chào mừng bạn đến với Website Banhkhome

0905 25 25 50 | balieume@gmail.com

Tin tức

Bánh khô mè có xuất xứ từ lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Đà Nẵng - Quảng Nam

25/12/2021

Bánh khô mè được làm từ gạo, nếp, mè và đường vào dịp Lễ hội, Tết Nguyên Đán, là sản phẩm dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên..
Có hai loại bánh: khô nổ và khô mè. Chất liệu nền giống nhau: bột gạo nếp, chỉ khác chiếc áo bên ngoài, khô nổ được áo với bột nếp, khô mè phủ quanh là mè, gần giống mè xững Huế. Thực ra khô mè cải tiến và ít ngọt hơn so với mè xửng, nhờ thế mới có thể vượt đèo Hải Vân để ra Bắc, rời dốc Sỏi để vào Nam.

Theo những lão nông, hình thức đầu tiên của loại bánh khô là những hạt lúa, nếp rang, được giã lớn, trộn với đường, xúc ăn bằng lá mít. Ăn như vậy mà ăn vội ăn vàng, hoặc vừa ăn vừa nói chuyện, thường dễ bị sặc..., nên người ta bèn cải tiến bằng cách rây bột vào khuôn với những ô vuông, tương tự bánh in, bên dưới khuôn lót lớp vải thô. Chưng cách thủy khuôn trên lò đã đun sôi khoảng năm phút. Từ nấu chuyển sang nướng, bằng cách tận dụng than của lò nấu, từ nướng lửa lớn sang lửa vừa, rồi nhỏ lửa để giữ cho bánh giòn và xốp. Từ các công đoạn nấu - nướng này mà bánh khô được gọi là "bánh bảy lửa".

Giai đoạn hai của quy trình sẽ là rang mè, thắng nước đường trên lò than nóng, áo nước đường cho bánh, tẩm mè chung quanh để lát bánh có độ dảo và vị bùi.

Nghề làm bánh khô mè có xuất xứ từ lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Đà Nẵng, được làm từ gạo, nếp, mè và đường vào dịp Lễ hội, Tết Nguyên Đán, là sản phẩm dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Trong thời kỳ nhà Nguyễn, bánh Khô mè nổi tiếng ở vùng đất Cẩm Lệ phát triển thành làng nghề và hằng năm được các quan lại địa phương dùng làm phẩm vật dâng lên triều đình. Nghề bánh khô mè Cẩm Bắc - Hòa Thọ - Cẩm Lệ có từ những năm 50 của thế kỷ XX.Nguyên liệu sử dụng làm bánh khô mè bao gồm: gạo, nếp, mè, đường kính, nguyên liệu này thường có giá khá ổn định, nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu ở thành phố, nên tương đối ổn định. Sản phẩm bánh khô mè được các khách hàng ở thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên rất ưa chuộng. Sản phẩm được đóng gói rất cẩn thận và có giá thành tuỳ theo kích cỡ khác nhau. Sản phẩm Bánh khô mè của Cẩm Bắc - Hòa Thọ- Cẩm Lệ được thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố và các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên và một số thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Làng nghề truyền thống bánh khô mè nằm gần chợ Cẩm Lệ, nay thuộc khu vực Cẩm Bắc, phường Hòa Thọ Đông. Qua bao thay đổi của cuộc sống, của nền kinh tế thị trường, bánh khô mè vẫn giòn ngọt thơm hương vị như thuở ban đầu.

Từ năm 1998 đến nay, nghề làm bánh khô mè ở Cẩm Lệ đã được chính quyền địa phương và các ngành quan tâm, hỗ trợ xây dựng để phát triển làng nghề truyền thống. Từ một sản phẩm làng quê, bánh khô mè đã có tên tuổi trên thị trường, được đăng ký quyền sở hữu. Xưa, bánh chỉ được làm vào mỗi dịp Tết. Nay, những bếp than rực hồng quanh năm. Đến mỗi dịp Tết, làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ nổi lửa suốt ngày, đủ cho 100 nhân công lao động có kế sinh nhai. Bánh khô mè Cẩm Lệ ngày nay đã có mặt ở nhiều vùng trên cả nước và theo tay Việt kiều làm món quà quê sang xứ người. Một đặc điểm khá đặc biệt nữa của bánh khô mè Cẩm Lệ là bánh chỉ giữ được hương vị nguyên sơ khi làm bằng thủ công. Ngày nay, một vài công đoạn như giã gạo thay bằng xay, hấp bột bằng củi thay bằng điện nhưng các công đoạn nướng bánh phải hoàn toàn dùng bằng than hoa nếu thay bằng sấy điện, sấy than đá hoặc các loại chất đốt khác bánh đều không đạt yêu cầu. Những người làm bánh đã cố gắng “công nghệ hóa” cách làm, thậm chí, trước đây chính quyền địa phương hỗ trợ hẳn một dự án ứng dụng công nghệ, sản xuất bánh bằng dây chuyền máy móc cho thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ nhưng đều bị thất bại. Chiếc bánh có hình vuông hay chữ nhật, được bao phủ bởi lớp mè thơm phức, qua 7 lần nướng mới tạo nên vị thanh bùi và ngon ngọt… Vì thế, món bánh khô mè ấy còn được gọi bằng cái tên dân dã - bánh 7 lửa. Có thể nói, sự góp mặt của bánh khô mè đã trở thành một thương hiệu cho văn hóa ẩm thực của người dân đất Đà Nẵng. Nét độc đáo của món bánh này là ở chỗ nó có thể làm từ rất nhiều loại bột trong ngũ cốc mà không chịu sự bó buộc khắt khe. Vì thế mà khi món bánh mới ra đời, từ người nghèo đến khá giả đều có thể chế biến theo nguyên liệu của riêng mình.

Ngày xưa, khách thưởng thức bánh khô mè có thể đoán được gia cảnh của chủ nhân. Những gia đình khó khăn sẽ dùng bột sắn, nhà nào khá hơn thì dùng nếp hương. Chiếc bánh được “bảo bọc” bởi lớp mè thơm nhờ sự kết dính với đường non tinh chất, dẻo tựa mạch nha. Các cụ già vẫn bảo bánh khô mè xếp theo hình bát giác, ngũ giác hay tứ giác thì sẽ cầu xin được sự giao hòa của trời đất. Vì ý nghĩa tượng trưng cho bát quái, ngũ hành, tự tượng mà bánh 7 lửa trở thành vật không thể thiếu cho những ngày giỗ kỵ hay lễ Tết của người dân xứ sở. Cái tên bánh 7 lửa được hình thành nhờ cách thức tạo ra nó, nhưng điều làm cho chiếc bánh trở nên nổi tiếng không chỉ vì cái tên lạ. Điều quan trọng chính là hương vị của nó còn đọng lại nơi vị giác của du khách sau khi thưởng thức. Từ những nguyên liệu đơn sơ mộc mạc như bột gạo, đường kính, gừng, mè… qua bàn tay của con người lại trở thành tuyệt hảo. Gạo vo sạch trắng như bông bưởi, để thật ráo rồi cho vào cối giã thành bột mịn. Đem tẩm nước cho vừa ướt thì cho vào nồi hấp chín. Trong khi chờ nồi bột chín, người ta chẻ tre đan vỉ lót, đan khung đúc bánh với những ô vuông vức. Bột vừa chín thì đổ vào khung rồi gạt bằng.Tháo khung, những miếng bột vuông nhỏ được đặt trên bếp than hoa lần thứ nhất. Hơi lửa than hoa chỉ vừa nóng để nướng chầm chậm cho lát bánh khô hai mặt. Chiếc bánh trần đã ráo lại được đặt lên bếp than hoa lần thứ hai nướng giòn. Đến đây xem như xong công đoạn thứ nhất. Việc tiếp theo là nấu đường cho đến khi dùng đũa kéo thành sợi tơ không dứt. Mè dùng chân đạp tróc vỏ, rang giòn, vàng, thơm thật thơm.Lúc này, người ta bưng nồi đường đặt trên bếp than ấm, lấy từng lát bánh trần trắng ngần nhúng vào đường rồi nhanh tay lăn qua mâm mè để ngay bên cạnh (người dân hay nói đùa rằng đó là công đoạn cho bánh “tắm” với mè). 

 

Chiếc bánh khô mè 7 lửa mang trong mình “tấm ruột” xốp và giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè và chút thanh của vị gừng. Khi bẻ đôi chiếc bánh, bạn sẽ nhìn thấy đường tơ vàng óng ánh do đường kéo ra mà thành. Và chỉ có những bàn tay khéo léo mới tạo ra được kết quả như thế. Để có thể thưởng thức món bánh khô mè đúng “chuẩn” thì du khách không thể bỏ qua những ngụm trà nóng thơm ngon. Cắn một miếng, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn tan thấm dần nơi đầu lưỡi, chất ngon ngọt và thơm bùi hòa cùng hương trà sẽ lưu lại mãi không quên…

 CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thông tin liên hệ

Vui lòng điền thông tin để chúng tôi hổ trợ bạn sớm nhất

Hotline tư vấn

0905 25 25 50

Đặc sản Đà Nẵng

Đặc sản Đà Nẵng

Đặc sản Đà Nẵng
Đặc sản Đà Nẵng

Trang chủ

Giới thiệu

Sản phẩm

Giấy chứng nhận

Tin tức