0905 25 25 50 | balieume@gmail.com
Xuân về trên vùng đất Cẩm Lệ
28/01/2019
Nhiều cây cầu, con đường mới khang trang và các khu đô thị hiện đại đã mọc lên thay cho những khu vực trũng sâu, ngập úng.
Từng bước hội nhập văn minh đô thị, nhưng những giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ, tiếp nối và phát huy.
Nối đời giữ hương vị quê nhà Quận Cẩm Lệ được thành lập đã gần mười năm. Diện mạo một đô thị mới đang phát triển hài hòa, quyện chặt những giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Nói về Cẩm Lệ, nhiều người nhớ đến hình ảnh ẩm thực độc đáo của Đà Nẵng với món bánh khô mè Bà Liễu, hay thương hiệu thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng một thời.
Ngồi nhâm nhi chiếc bánh khô mè giòn rụm với nước trà xanh những ngày xuân, đã trở thành nét ẩm thực quen thuộc của nhiều người dân Đà Nẵng.
Chủ của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu nổi tiếng hiện tại là bà Huỳnh Thị Điễu, 70 tuổi (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Về thăm cơ sở làm bánh của bà Điễu, mới hay, các công đoạn để cho ra lò một mẻ bánh không hề đơn giản. Bà Điễu kể, lúc còn nhỏ, thấy bà nội làm bánh khô mè, bà lẵng nhẵng sau lưng để hỏi công thức làm món bánh của các gia đình trong mỗi dịp Tết ở Đà Nẵng.
Lớn lên, bà Điễu đã thực hiện được giấc mơ trở thành một chủ lò bánh khô mè và cô con gái thứ năm là Lê Thị Kim Thoa cũng theo nghề. Hiện tại, hai cơ sở làm bánh của bà Điễu có hơn 30 lao động, phần lớn là phụ nữ. Bà Điễu cho biết, nay mai già yếu, đã có con gái tiếp nối và nuôi nghề, giữ lửa. Tuổi đã cao nhưng bà không nghỉ. Bà bảo: "Anh chị em theo nghề mình đã lâu.
Mình không trụ được với nghề thì làm sao ổn định được cuộc sống gia đình và người lao động". Trung bình lương tháng mỗi lao động tại hai cơ sở của bà Điễu hơn bốn triệu đồng.
Hình như chính cái cốt chất của người làm bánh đã làm cho hương vị bánh khô mè nơi đây càng thêm đậm đà. Bà Điễu đưa tay hướng về nhiều bằng khen, chứng nhận mà Bánh khô mè Bà Liễu đã được trao tặng với niềm vui đong đầy trong mắt: "Nếu ngưng làm, buồn lắm. Càng làm càng thấy đam mê và muốn gửi vào đó cả tấm lòng thơm thảo của mình cho thế hệ con cháu mai sau. Bánh khô mè gắn với tuổi thơ tôi, giờ tới con, cháu tôi và hy vọng sẽ được lưu truyền mãi. Dù nghề làm bánh này chỉ đủ trang trải cuộc sống nhưng tôi rất tự hào vì là người truyền lửa, giữ lửa cho nghề".
Bí quyết làm nên loại bánh truyền thống mang vị đặc biệt của xứ Quảng này ngoài sự khéo léo của người làm bánh, thì nguồn nguyên vật liệu cũng rất quan trọng. Đó là loại gạo, vừng đặc biệt được trồng tại Quảng Nam, tưới nước từ sông Thu Bồn, Vu Gia. Đó là gừng thơm cay trồng trên đất Quế Sơn và đường mía tinh luyện. Đã có nguyên liệu, nhưng nếu không có cái tâm của người làm thì bánh cũng không ngon. Dịp Tết và mùa lễ hội, hai cơ sở sản xuất bánh của bà Điễu nhộn nhịp hẳn bởi lượng bánh cung ứng cho thị trường tăng mạnh, chưa kể những đơn đặt bánh của khách hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay người đất Quảng đặt gửi làm quà quê cho kiều bào ở nước ngoài.
Gắn kết văn hóa, du lịch trong phát triển Năm 2015 được TP Đà Nẵng chọn là "Năm văn hóa, văn minh đô thị", với riêng quận Cẩm Lệ còn gắn kết thêm "Năm doanh nghiệp". Cụm công nghiệp quận Cẩm Lệ đang được xây dựng với diện tích quy hoạch bước đầu từ 15 đến 20 ha. Đã có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia Cụm. Việc xây dựng Cụm công nghiệp sẽ giúp địa phương thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2014, đã giảm 847 hộ nghèo theo tiêu chí mới, đạt 119%. Có 65 trong số 131 hộ thoát hẳn khỏi số hộ nghèo đặc biệt. Kinh tế và văn hóa là hai mục tiêu được xác định phải phát triển song song. Quận đang xây dựng đề án văn hóa tâm linh gắn với du lịch làng nghề truyền thống, để phát huy lợi thế của di tích lịch sử văn hóa, làng nghề tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng bản sắc văn hóa Cẩm Lệ.
Cẩm Lệ là quận cầu nối giữa thành thị và nông thôn Đà Nẵng, với những giá trị từ các di sản văn hóa phi vật thể, các di tích khảo cổ học như di tích Chăm Phong Lệ. Cẩm Lệ phát triển làng nghề truyền thống quanh khu vực di tích Chăm làng Phong Lệ, giữ lại những giá trị nền tảng để từ đó bắt nhịp vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương theo hướng dịch vụ - thương mại - công nghiệp - nông nghiệp.
Trong đó, gắn giá trị làng nghề truyền thống với khai thác du lịch ở các di tích: Nghĩa trủng, Hòa Vang, Đài tưởng niệm Liệt sĩ Hòa Vang, các đình làng, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu Đảo nổi Khuê Trung... Ông Huỳnh Bá Phước, trú tổ 3 phường Hòa Thọ Đông (ngay cạnh di tích Chăm làng Phong Lệ) cho biết: Khi các cơ quan chức năng tiến hành khai quật và phát hiện Hố thiêng trong lòng di tích Chăm cổ vô giá này, chúng tôi rất tự hào và hy vọng đây sẽ sớm thành một địa chỉ văn hóa du lịch hấp dẫn để góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị phi vật thể nghìn năm tuổi.
Từ khu di tích nêu trên, khách có thể mở rộng hướng tham quan tới các làng nghề truyền thống của Cẩm Lệ như bánh khô mè, bánh nổ, thuốc lá Cẩm Lệ, xa hơn là bánh tráng Túy Loan...
Những ngày đầu xuân, chúng tôi về thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia Nghĩa trủng nơi chôn cất những nghĩa sĩ chống Pháp ở Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Cuộc sống đang chảy bình yên quanh đây. Ở đây cứ mỗi độ xuân về, cây mai bà lại đơm đầy lộc mới.
Bên kia sông Cẩm Lệ, khu đô thị Hòa Xuân nay đã hoàn toàn thay màu áo mới. Cuộc sống của người dân đã từng bước ổn định sau khi chỉnh trang đô thị, di dời giải tỏa. Như lời gửi gắm của Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn: Để có được một Cẩm Lệ như hôm nay, ngoài sự quyết đoán của chính quyền các cấp, thì mấu chốt là sự đồng thuận của hàng nghìn hộ dân, nhất là hơn năm nghìn hộ đã di dời, giải tỏa. Khởi động "Năm văn hóa, văn minh đô thị", tôi mong rằng mỗi người dân sẽ là một chấm sáng, kết nối, lan tỏa từ khu phố đến cụm dân cư và cả cộng đồng, để góp phần làm đẹp, làm giàu thêm cho miền quê Cẩm Lệ.
Thông tin liên hệ
Vui lòng điền thông tin để chúng tôi hổ trợ bạn sớm nhất
Hotline tư vấn
0905 25 25 50
Các tin tức liên quan